Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nỗ lực xử lý rác thải y tế
Lượt xem: 132
Rác thải y tế nằm trong nhóm chất thải nguy hại đến môi trường và sức khỏe của con người, do đó, việc xử lý rác thải y tế được ngành chức năng quan tâm góp phần triển khai phong trào xây dựng đơn vị y tế “xanh - sạch - đẹp”.

 Rác thải y tế nằm trong nhóm chất thải nguy hại đến môi trường và sức khỏe của con người, do đó, việc xử lý rác thải y tế được ngành chức năng quan tâm góp phần triển khai phong trào xây dựng đơn vị y tế “xanh - sạch - đẹp”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 bệnh viện công lập tuyến tỉnh và huyện, 199 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 123 phòng khám tư nhân. Tại các đơn vị này, tổng lượng chất thải lây nhiễm phát sinh 156,9 tấn/năm; tổng lượng chất thải nguy hại không lây nhiễm 0,15 tấn/năm; tổng lượng chất thải y tế thông thường phát sinh 1.212 tấn/năm và tổng lượng nước thải y tế phát sinh 537.874 m3/năm. Trong đó, toàn bộ lượng chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải y tế thông thường đều đã và đang được xử lý theo quy định.
    Bên cạnh đó, khối lượng phát sinh chất thải y tế nguy hại tại cơ sở nhỏ, có thể tự xử lý nên sự lựa chọn tối ưu cho hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại tại địa phương là theo mô hình cụm cơ sở y tế. Theo đó, đa số bệnh viện tự xử lý chất thải y tế phát sinh; các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế tuyến huyện một phần tự xử lý rác thải y tế bằng lò đốt hoặc chôn lấp, còn lại chuyển giao cho các bệnh viện đa khoa huyện xử lý. Các trạm y tế, các cơ sở hệ dự phòng tuyến tỉnh và bệnh viện tư nhân chủ yếu chuyển giao chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn chất thải y tế thông thường được chuyển giao cho doanh nghiệp về môi trường xử lý.
    Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những đơn vị xử lý triệt để các loại rác thải y tế. Với quy mô 27 khoa, phòng, với khoảng 600 - 700 giường bệnh và trên 400 nhân viên, trung bình mỗi ngày bệnh viện phát sinh hơn 810 kg chất thải rắn, trong đó có 64 kg chất thải nguy hại lây nhiễm gồm chất thải sắc nhọn, chất thải giải phẫu, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn…; 750 kg chất thải thông thường; 0,7 kg chất thải nguy hại không lây nhiễm và 130 - 150 m3 nước thải y tế. Các quy trình phân loại, tập kết và xử lý chất thải y tế tại bệnh viện quy củ, nghiêm ngặt. Tại mỗi khoa, phòng đều có đặt các thùng và túi đựng chất thải có mã màu đúng quy định cho từng loại, có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí cần thiết. Chất thải sau khi thu gom và chuyển đến nơi tập kết được phân loại lần 2 nhằm bảo đảm được phân loại triệt để.

    Trước đây, rác thải y tế rắn được xử lý tại lò đốt rác của Bệnh viện với hệ thống lò đốt chuyên dụng, công suất 35 kg/h được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Tuy nhiên, đây là hệ thống xử lý rác thải rắn bằng phương pháp thiêu đốt, gây ra khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, để giảm thiểu tác hại khói bụi, năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư nâng cấp, nối ống khói lên cao đến 20 m, bảo đảm khói bụi không ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh bệnh viện. Tháng 7/2016, Bệnh viện được Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện do Ngân hàng Thế giới tài trợ đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng (không đốt), công suất 35 kg/mẻ, trị giá 8,1 tỷ đồng, bảo đảm xử lý lượng chất thải đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

    Do đó, hiện nay, các chất thải lây nhiễm được xử lý bằng 2 phương pháp: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải giải phẫu, chất thải lây nhiễm có kích thước lớn trên 30 cm xử lý bằng phương pháp đốt, sau khi đốt tro xỉ được cô lập tại bể bê tông trong khu xử lý. Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn xử lý bằng phương pháp vi sóng tích hợp nghiền cắt, sau khi xử lý đạt quy chuẩn được quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được xử lý như chất thải thông thường.
    Riêng với nước thải y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế công nghệ AAO, công suất 350 m3/ngày, trị giá trên 6,5 tỷ đồng từ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Công trình đã nghiệm thu và bàn giao cho đơn vị sử dụng từ tháng 4/2017. Nước thải y tế được xử lý sơ bộ tại các bể ga của khoa, phòng, sau đó được thu gom về hệ thống xử lý chất thải tập trung của Bệnh viện, bảo đảm xử lý lượng chất thải lỏng đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.
    Theo bà Nông Thị Thơi, kỹ sư công nghệ sinh học - chuyên trách môi trường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công nghệ không đốt để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại là công nghệ hiện đại áp dụng vi sóng kết hợp hơi nước bão hòa. Chất thải sau khi tiệt khuẩn được cắt nhỏ làm mất hình dạng, không còn khả năng lây nhiễm, trở thành chất thải thông thường. Chất thải lỏng y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện cũng được xử lý theo dây chuyền tự động và hiện đại. Chất thải lỏng được dẫn về các bể chứa thông qua hệ thống ống dẫn phức hợp chôn dưới lòng đất, tại đây được xử lý triệt để bằng công nghệ vi sinh trước khi thải ra môi trường.
    Tuy nhiên, hệ thống xử lý chất thải y tế chưa được trang bị đồng bộ tại nhiều đơn vị y tế. Bởi vậy, công tác quản lý, xử lý chất thải y tế tại một số đơn vị y tế khác trên địa bàn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các trạm y tế và các cơ sở y tế tư nhân, hầu hết xử lý rác thải bằng phương pháp đốt thủ công. Nhiều đơn vị, do lượng rác thải y tế ngày càng tăng nên hệ thống xử lý rác thải hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
    Khắc phục những khó khăn, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý chất thải y tế, như quán triệt việc thực hiện quản lý chất thải y tế từ khâu phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh, thu gom và lưu giữ tạm thời chất thải rắn y tế; đẩy mạnh giám sát, kiểm tra và tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về quản lý chất thải y tế cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và nhân viên y tế.  
    Phó Giám đốc Sở Y tế Đàm Trung Cao cho biết: Hiện nay, tại các cơ sở y tế trên địa bàn đã nghiêm túc triển khai thực hiện quy định trong việc xử lý rác thải y tế. Để làm tốt công tác quản lý rác thải y tế, Sở Y tế đã tổ chức giám sát, kiểm tra thường kỳ. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế không đúng quy định. Còn tại các cơ sở y tế, các khoa, bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn, Sở thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đúng quy định.

(nguồn: Báo Cao Bằng)

 

E-mail: ubndhopgiang@caobang.gov.vn

Đầu mối liên hệ: Bà Trần Thị Thanh Nhàn - Công chức Văn hóa - Xã hội phường Hợp Giang

Số điện thoại: 0944.554.886

Email: Nhanttt@caobang.gov.vn

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang