Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
GÁNH NẶNG MÔI TRƯỜNG TỪ RÁC THẢI NHỰA
Lượt xem: 201

 

 

Bắt thang lên hỏi anh trời

Cớ đâu tôi phải gánh đau khổ này

Thân tôi như thể xéo dày

Bao nhiêu rác thải đêm ngày chất cao

Anh trời giọng cũng khao khao

Tôi đây cũng khổ và đau muôn phần

Ngày đêm hít thở khí màu

Bao nhiêu độc tố tràn vào khắp thân

Đất trời ngẫm cảnh thế nhân

Lũ con hủy hoại, quên lo bảo tồn

Sống lõi chỉ biết hôm nay

Chẳng suy, nghĩ, ngẫm tương lai gióng nòi

Trần gian, ơi hởi con thơ!

Môi trường bảo vệ, vì đời mai sau.

Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, sự cân bằng của hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên và nhiều hệ lụy khác để lại nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ra các bệnh hiểm nghèo, tăng gánh nặng về y tế, gia tăng thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán,...).

Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, ngày nay, túi nilon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Hiện nay con người đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường.

Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến mất mỹ quan, ô nhiểm nguồn nước, sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

 

Quá trình tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường kéo dài hàng trăm năm, thập chí hàng ngàn năm, gây tác hại đến hệ sinh thái, môi trường sống của các loại động thực vật.

Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…

Để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon nguời sử dụng cần hạn chế sử dụng túi nilon thông thuờng bằng cách sử dụng túi dùng nhiều lần và có khả năng phân huỷ sinh học khi đi mua hàng hoặc sử dụng các loại túi được sản xuất từ những vật liệu thân thiện với môi trường (mây, tre, nữa, bàng, buông, giấy,…); không nên dùng túi nilon rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng, có vị chua. Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy định. Việc sử dụng các loại túi, vật dụng thay thế đồ dùng nhựa phải được thực hiện từ hai phía (bên bán hàng hóa, bên mua hàng hóa), và cần có những cơ chế, chương trình hỗ trợ của nhà nước trong công tác quản lý và điều phối.

Để giúp người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao ý thức trong việc chọn lựa, sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm từ nhựa góp phần bảo vệ môi trường là việc làm cấp thiết ngay hôm nay. Vì vậy,  “Giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường” là giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai. Đặc biệt là đối với vấn đề rác thải nhựa. Giáo dục nâng cao ý thức phải được xem là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên và duy trì từ các cấp học để từng bước thay đổi nhận thức, hình thành thói quen, tạo hành vi tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường. Việc này muốn làm tốt cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân, đến việc tạo cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để tạo sự đồng bộ trong việc từng bước hạn chế tiến tới ngưng sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm tiêu dùng từ nhựa.

Mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…

Một số giải pháp cụ thể trong thực hiện tuyên truyền đến với người dân:

- Tuyên truyền qua hệ thống pano, áp phích trên các tuyến đường, các điểm sinh hoạt cộng đồng, chợ, trung tâm mua sắm, trường học,… bằng những hình ảnh trực quan sinh động.

- Lồng ghép trong các cuộc họp, tuyên truyền của các hội, đoàn thể của địa phương trong tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên.

- Tăng cường công tác tuyên truyền trong giới trẻ, nhất là đối tượng học sinh các cấp, sinh viên thông qua các chương trình hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về môi trường.

- Xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình thân thiện môi trường ở các xã, phường, thị trấn gắn với việc giảm, nói không với rác thải nhựa.

- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất vật liệu mới thay thế vật liệu nhựa trong sự phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai.

-  Cấp quản lý, lãnh đạo tạo cơ chế, hành lang pháp lý trong thực hiện công tác quản lý rác thải nhựa từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng./.

E-mail: ubndhopgiang@caobang.gov.vn

Đầu mối liên hệ: Bà Trần Thị Thanh Nhàn - Công chức Văn hóa - Xã hội phường Hợp Giang

Số điện thoại: 0944.554.886

Email: Nhanttt@caobang.gov.vn

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang